[Tâm lý học đầu tư]

[Tâm lý học đầu tư]
Cuối năm 2008, danh mục đầu tư của tôi chỉ có 3 cổ phiếu là ACB, STB, và FPT. Vào ngày 24/02/2009 khi VNIndex chạm đáy 235 điểm thì giá trị chứng khoán của tôi cũng suy giảm tới 38%. Trong khoảng thời gian này tôi rất ít khi xem bảng giá. Bởi lẽ mỗi lần xem bảng giá là một lần đau đớn khi thấy mình mất tiền(Hiệu ứng liên tưởng: Association Effect). Đến một ngưỡng nhất định thì muốn quên luôn là mình có đầu tư cổ phiếu. Sau này tôi mới biết trong tâm lý học có khái niệm gọi là Self Deception and Denial. Tức là khi thực tế quá đau đớn thì người ta có xu hướng chối bỏ hoặc bóp méo thực tế để cảm thấy dễ chịu hơn. Tâm lý này rất nguy hiểm trong đầu tư vì khi chối bỏ thực tại thì quá trình ra quyết định đã không còn chính xác nữa.
Ngoài ra có một hiệu ứng tâm lý cũng rất hay gặp khi mới đầu tư chứng khoán là “Tâm lý mỏ neo” (Anchoring). Ví dụ hồi đó giá vốn trung bình tôi mua ACB là khoảng 36K. Sau khi “hoảng sợ” chứng kiến cổ phiếu ACB giảm về giá 22.9K ngày 24/02/2009, tôi vô cùng vui mừng khi ACB tăng trở lại gần với mức giá 36K vào tháng 4 năm 2009. Nhờ đó tôi bán ra và thu hồi được vốn. Giá vốn 36K trở thành cái “mỏ neo” để tôi ra quyết định mua bán. Cách hành động này có thể dẫn tới hai loại sai lầm: (1) khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới 36K thì việc nắm giữ chưa chắc đã đúng vì có thể lúc đó có những cơ hội khác tốt hơn rất nhiều. (2) Khi ACB quay trở lại giá 36K thì việc bán ra có thể sai vì cổ phiếu đó tại mức giá đó vẫn là cơ hội tốt nhất bạn đang có.
Đặc biệt tác động rất tới nhà đầu tư là “tâm lý đám đông”(social proof). Nhà đầu tư là con người và hành động theo đám đông là bản năng của mỗi người. Thị trường chính là đám đông. Khi cổ phiếu bạn mua vào suy giảm hàng ngày, đám đông đang nói với bạn rằng bạn đã sai lầm trong thương vụ đầu tư đó. Đám đông đúng hay bạn đúng? Kiên trì đến cùng hay tạm thời đi theo đám đông để chờ cơ hội sau? Khoảng cách giữa “kiên trì” và “cứng đầu” là rất mong manh. Khi bạn đúng thì sẽ được khen ngợi là kiên định còn khi sai thì ... hehehe.
Do có nhiều tác động tâm lý như vậy nên việc hình thành triết lý và các chiến lược đầu tư là hết sức quan trọng. Chúng giống như la bàn để nhà đầu tư vượt biển, là kim chỉ nam dẫn lối cho các sách lược hành động của nhà đầu tư. Vậy làm sao để hình thành triết lý và chiến lược đầu tư? Tôi sẽ suy nghĩ và nói về topic này trong một post khác. Hehehe.

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.