Ảnh Henry Paulson, cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ 2006-2009

[Một số chuyện thú vị trong đại khủng hoảng 2008-2009]
1, Chắc mọi người đều nghe chuyện Nga rủ Trung Quốc bán khống trái phiếu Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty cho vay bất động sản lớn nhất nước Mỹ, giữa lúc thị trường tài chính Mỹ đang be bét hồi năm 2008. Ý định của Nga là làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn và khiến cho chính phủ Mỹ tốn thêm rất nhiều tiền của để khắc phục hậu quả. May mà hồi đó TQ không đồng ý, chứ nếu không thì không biết thế giới và VN giờ ra sao. Trung Quốc sau đó tiết lộ(có lẽ cũng là một lời đe dọa) với bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson về chuyện này. Có tới 5.4 nghìn tỷ chứng khoán liên quan đến liên quan đến hai công ty này, và TQ là một trong những chủ nợ nước ngoài lớn nhất. Cũng may là chính phủ Mỹ đã quốc hữu hóa Fannie Mae và Freddie Mac trước tuần lễ Lehman Brothers nộp đơn phá sản.

2, Trước khủng hoảng bạn có biết ngân hàng nào là lớn nhất thế giới?
Cuối năm 2007, Royal Bank of Scotland(RBS) từng trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới(tính theo tài sản) sau khi cùng với Fortis and Banco Santander thâu tóm thành công ABN AMRO. Khoảnh khắc trên đỉnh của RBS không kéo dài được lâu. Chưa tới một năm sau thì RBS đã đứng trên bờ vực phá sản và chính phủ Anh phải quốc hữu hóa ngân hàng này vào tháng 10 năm 2008. Vụ thâu tóm ABN AMRO đã làm suy giảm dự trữ của RBS ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới bắt đầu.

3, TARP - gói cứu trợ 700 tỷ đôla ban đầu được thiết kế để mua các tài sản xấu nhưng thực ra sau đó phần lớn là để bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng. Bởi lẽ mua tài sản mất rất nhiều thời gian - hàng tháng hàng năm trời trong khi hệ thống tài chính Mỹ suy yếu từng ngày. Bác Ben Bernake, chủ tịch Fed hồi đó, có nói một câu nổi tiếng với các nhà lập pháp Mỹ: “Nếu gói cứu trợ này mà không được thông qua thì chúng ta sẽ chẳng có nền kinh tế nào mà cứu vào thứ hai.” Bơm vốn vừa nhanh vừa hiệu quả bởi lẽ các ngân hàng đều dùng đòn bẩy, có khi tới 50x. Như vậy mua 50 tài sản xấu thì các ngân hàng mới tăng VCSH được 1 đồng. Ngược lại bơm luôn 50 đồng vào vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thì họ sẽ có ngay 50 đồng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh khoản khủng khiếp trong giai đoạn khủng hoảng.


4, Tháng 10 năm 2008, khi bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson muốn thực hiện bơm 250 tỷ đô (capital injection) vào các định chế tài chính của Mỹ, chính cụ Warren Buffett đã gọi cho bác Paulson gợi ý dùng preferred stocks với lãi suất ban đầu 5% và tăng dần lên đến 9% sau 5 năm. 5% là một mức lãi suất hấp dẫn lúc đó vì chỉ vài tuần trước, Goldman Sachs đã phải huy động vốn từ cụ Warren Buffett cũng ở dạng preferred stocks với lãi suất 10%. Với các khoản đầu tư vào các ngân hàng Wells Fargo và Goldman Sachs, cụ Warren Buffett có xung đột lợi ích khi đưa ra lời khuyên này. Biết vậy nhưng bộ trưởng Henry Paulson vẫn cho rằng giải pháp đó là hợp lý vì như vậy mới khuyến khích các ngân hàng chấp nhận gói cứu trợ và sau đó có động lực để trả tiền lại nhà nước khi lãi suất các năm sau tăng lên.

5, Vụ khủng hoảng thanh khoản của ngân hàng đầu tư Bear Stearns cho thấy 2 điều.
+ Khi một định chế tài chính chết thì nó chết rất nhanh.
+ Với một ngân hàng, nếu họ phải chứng minh sự tín nhiệm của mình thì tức là họ đã không còn tín nhiệm nữa.
Thứ 2, ngày 10/03/2008 Bear Stearns có tới 18 tỷ đôla tiền mặt. Thứ 4 cùng tuần, CEO ngân hàng đầu tư này, Alan Schwartz, còn lên CNBC trấn an các nhà đầu tư rằng mọi chuyện đều trong tầm kiểm soát và chẳng có cuộc khủng hoảng thanh khoản nào cả. Bạn biết không, khi lãnh đạo của một ngân hàng phải lên TV đảm bảo về sự thanh khoản thì có nghĩa rằng ngân hàng đó đã mất thanh khoản.
Trong tuần lễ này, khi tin đồn về vấn đề thanh khoản của Bear Stearns xuất hiện thì mọi người đều rút tiền khỏi ngân hàng đầu tư này và tới thứ 5, ngày 13/03/2008 thì Bear chỉ còn 2 tỷ đôla tiền măt. Họ đứng trước nguy cơ phá sản vào sáng hôm sau nếu không nhận được sự trợ giúp khẩn cấp.
Link dưới là video buổi Alan Schwartz lên CNBC ngày 12/03/2008.

6, Chuyện về Bill Miller và Bear Stearns.
Bill Miller từng được mệnh danh là vua của giới quản lý quỹ tương hỗ. Quỹ Legg Mason Value Trust mà ông quản lý đánh bại thị trường trong 15 năm liên tiếp(1991-2005). Lúc đỉnh cao Miller quản lý trên 20 tỷ đô la. Ngoài ra Bill Miller còn được Morningstar đánh giá là Fund Manager of the Decade và Barron’s xếp ông vào danh sách những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ.
Sáng thứ 6, ngày 14 tháng 3 năm 2008, Bill Miller chỉn chu lên TV giải thích vì sao ông đầu tư 200 triệu đô vào Bear Stearns. Ngay trong khi ông đang nói về sự tuyệt vời của cổ phiếu này thì ngoài thị trường giá cổ phiếu sụp đổ. Cổ phiếu Bear Stearns có lúc giảm 53% ngay trong ngày hôm đó khi công ty này thông báo rằng họ phải cần trợ giúp khẩn cấp từ JPMorgan và New York Fed.
(Cũng trong chương trình hôm đó, một người bán khống các khoản nợ dưới chuẩn, Steve Eisman, quỹ Front Point Partners đã nói (sau Bill vài phút) về quá trình deleveraging sắp bắt đầu và ông này đã kiệm bộn tiền chỉ vài ngày sau).
https://www.cnbc.com/id/23590249
https://www.youtube.com/watch?v=DcyaQBCGM28
Sơn Tùng

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.