[Picking Stock: Vài suy nghĩ về lựa chọn cổ phiếu - Phần 1]

[Picking Stock: Vài suy nghĩ về lựa chọn cổ phiếu - Phần 1]
1. Lựa chọn đúng cổ phiếu để mua vào chỉ là bước đầu tiên để đạt được lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán. Thường khó khăn lớn hơn lại nằm ở phần nắm giữ cổ phiếu đó. Peter Cundill nói hầu hết những thương vụ đầu tư thành công của ông đều có những thử thách lớn trước khi thu được thành quả. Cũng giống như Mohnish Pabrai nói: cứ sau khi anh mua vào cổ phiếu nào là cổ phiếu đó cắm đầu đi xuống.
Ví dụ hồi năm 2002, Monish mua cổ phiếu Tesoro, một công ty sở hữu nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ, ở mức giá $7.5/cp. Trước khi lâm vào khó khăn tài chính cổ phiếu này thường giao dịch ở mức giá $30. Monish Pabrai đầu tư 10% danh mục vào cổ phiếu Tesoro và 3 tháng sau, giá cổ phiếu này giảm về $1.33, tức là giảm đến hơn 80%. Riêng cổ phiếu này đã làm cho danh mục của Mohnish Pabrai bị âm 8%.
Mohnish vẫn can đảm nắm giữ và 18 tháng sau đó, Crack Spread(chêch lệch giữa giá dầu và giá xăng) nới rộng giúp cho tình hình kinh doanh của Tesoro tốt hơn rất nhiều. Giá cổ phiếu tăng lên $15 và Monish Pabrai bán ra ở mức giá này.
Đau đơn thay là nếu Mohnish Pabrai tiếp tục nắm giữ Tesoro đến năm 2016 thì lợi nhuận thu về đã tăng 200x từ mức đáy $1.33 hoặc tăng 40x từ giá mua vào ban đầu $7.5. Tôi biết rất nhiều các câu chuyện kiểu này với rất nhiều nhà đầu tư.
Ngay tại Việt Nam, nếu bạn mua cổ phiếu VNM vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2008 thì 6 tháng sau, khoản đầu tư của bạn sẽ suy giảm khoảng 50% giá trị. Nếu bạn kiên trì nắm giữ trong 10 năm thì đến ngày giao dịch đầu tiên của năm 2018, khoản đầu tư của bạn sẽ tăng hơn 14x. (Dữ liệu CafeF).
2. Có thể kiên định nắm giữ khi giá cổ phiếu đi xuống hoặc khi giá cổ phiếu đi lên đều rất quan trọng. Sự kiên định đó sẽ càng khó đạt được nếu bạn quản lý tiền cho khách hàng. Khi khách hàng thấy bạn đầu tư một cổ phiếu và giá giảm tới 80%, rất có thể họ sẽ yêu cầu rút tiền hoặc ít nhất là sẽ có vô số thắc mắc dành cho người quản lý danh mục(PM). Một phần vì thế mà cụ Walter Schloss chả bao giờ cho khách hàng biết các cổ phiếu trong danh mục của mình là gì. Đầu tư giá trị thường mua những thứ mà ít người mua nên chắc khách hàng nhìn thấy danh mục cổ phiếu nhiều khi cũng hoảng.
3. Tôi nghĩ nhiều PM không thích để lộ danh mục và suy nghĩ về các ý tưởng đầu tư ra công chúng vì điều đó làm họ khó khăn hơn trong việc thay đổi quan điểm đầu tư về một cổ phiếu nào đó. Thừa nhận sai lầm với chính bản thân mình đã khó huống chi là phải thừa nhận sai lầm với rất nhiều người khác.
Sơn Tùng.

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.