[Suy nghĩ về vĩ mô]

[Suy nghĩ về vĩ mô]
1. Khoảng 100 năm trước đây, sau khi nước Đức thua trận trong Thế chiến thứ nhất, đồng Mark Đức đã mất giá 90% so với đồng Đôla trong giai đoạn 1918-1920. Nhiều người dự đoán nền kinh tế và hệ thống chính trị của Đức sẽ sụp đổ nên họ tiếp tục short đồng Mark Đức đầu những năm 1920. Kết quả là bị thua lỗ nặng. Trong số này, có cả nhà kinh tế và nhà đầu tư huyền thoại John Maynard Keynes, người đã lỗ mất 13,000 bảng vào lúc đó.
Đây là một trong số rất nhiều câu chuyện thú vị trong cuốn sách tuyệt vời (nhưng Free) của Ray Dalio: A Template For Understanding Big Debt Crises. Ray Dalio là một huyền thoại đầu tư theo các chiến lược Macro(Vĩ mô).
2. Macro là thứ mà các nhà đầu tư giá trị như tôi không dành nhiều thời gian nghiên cứu. Không phải Macro không quan trọng, mà vấn đề thường là rất khó để dự đoán chính xác diễn biến của tỷ giá, của nền kinh tế, của ngành rồi đưa tới quyết định mua cổ phiếu chính xác. Nhà đầu tư giá trị thường chú trọng nhiều hơn vào từng doanh nghiệp, từng ngành nghề(bottom up). Tôi quan niệm rằng đánh giá về tương lai của một doanh nghiệp cụ thể trong 3-5 năm nữa thì dễ hơn là đánh giá về tương lai của nền kinh tế trong khoảng thời gian tương ứng.
3. Đọc cuốn sách tuyệt vời của Ray Dalio, tôi vẫn không thay đổi quan điểm này. Mỗi một nền kinh tế là một hệ thống cực kỳ phức tạp, với rất nhiều biến số đầu vào, và sự kết hợp của các biến số này lại tạo ra vô số kịch bản khác nhau. Bạn hãy thử đọc xong cuốn sách của Ray Dalio rồi đem áp dụng vào hiện tại để dự đoán tương lai của nền kinh tế Trung Quốc trong 3-5 năm tới, rồi tìm kiếm cơ hội đầu tư từ đánh giá đó? Tôi nghĩ sẽ có người kiếm được lợi nhuận từ hướng đi đó nhưng không phải là một nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Việt Nam. Chúng ta bị giới hạn bởi công cụ đầu tư(chỉ có thể đầu tư vào CHỨNG KHOÁN tại VIỆT NAM), bị giới hạn về tiếp cận thông tin, bị giới hạn về trình độ và đội ngũ nhân lực, v.v
4. Tôi cảm giác rằng, để kiếm tiền theo phong cách của Ray Dalio đòi hỏi bạn và cả team của mình phải cực giỏi. Giỏi tới mức gần tương đương hoặc thậm chí giỏi hơn những người như Chủ tịch Fed hoặc Bộ trưởng tài chính Mỹ. Trong đại khủng hoảng tài chính 2008-2009, Tim Geithner khi đó còn là Chủ tịch New York Fed thường xuyên đọc các bài viết của Ray Dalio(Bridgewater Daily Observations) để tham khảo và ra các quyết sách. Lúc Mỹ ra kết quả stress test các ngân hàng năm 2009, Bộ trường tài chính Mỹ cầm bài viết của Ray Dalio lên gặp Tổng Thống Obama để “khoe” là khối tư nhân cũng đồng ý với bài test của chính phủ.
5. Ngược lại, cách đầu tư giá trị của Ben Graham vốn dĩ được thiết kế để dành riêng cho các nhà đầu tư cá nhân. Và ngay cả huyền thoại kinh tế John Maynard Keynes sau khi thử nghiệm nhiều chiến lược đầu tư cũng quay về cách tiếp cận là tập trung lựa chọn các doanh nghiệp tốt và nắm giữ lâu dài. Năm 1938, Keynes viết lại chiến lược đầu tư của mình như sau:
a, Lựa chọn cẩn thận một vài khoản đầu tư (hoặc một vài kiểu đầu tư) căn cứ vào mức giá rẻ khi so sánh với giá trị hiện tại và giá trị tiềm năng trong nhiều năm. So sánh với các cơ hội đầu tư khác trong thời điểm đó.
b, Kiên định nắm giữ các khoản đầu tư lớn này qua các biến động trong nhiều năm, cho đến khi chúng đạt đến giá trị mong đợi hoặc quyết định mua vào lúc đầu rõ ràng là một sai lầm.
c, Cân bằng danh mục đầu, có sự đa dạng nhất định thay vì rủi ro tập trung quá lớn vào một khoản đầu tư và nếu có thể thì các rủi ro trong danh mục đối lập nhau.
6. Tuy nhiên có một ý mà tôi đang suy nghĩ là Macro sẽ đóng vai trò rất quan trọng với nhà đầu tư khi nền kinh tế xảy ra Big Debt Crises. Với các cuộc suy thoái bình thường(hay xảy ra 10 năm 1 lần) thì tôi nghĩ đầu tư giá trị thông thường vẫn ổn. Nhưng nếu nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, những cơn bão trên 50 năm mới xuất hiện một lần(kiểu như đại khủng hoảng 1930s hay 2008) thì có lẽ là nguy hiểm nếu chúng ta chỉ nhìn bottom up. Trong đại khủng hoảng, fundamental(cơ bản) của đa số doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhà đầu tư có thể đánh giá thấp những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt dẫn tới sai lầm về định giá rồi mua vào quá sớm ?
7. Năm 2008, nhiều nhà đầu tư giá trị không lường trước được mức độ trầm trọng của nền kinh tế nên thua lỗ rất nhiều. Đó là câu chuyện về Bill Miller với các sai lầm khi đầu tư vào AIG, Wachovia, Freddie Mac, và Bear Stearns. Hay như Mohnish Pabrai trong giai đoạn đó, tài sản quản lý cũng giảm từ 600 triệu USD về 200 triệu USD. Bản thân tài sản cá nhân của Mohnish thì suy giảm từ khoảng 80 triệu USD về 19 triệu USD. Nếu chỉ nhìn bottom up, có thể có những điểm mù mà nhà đầu tư không nhận ra khi nền kinh tế bước vào giai đoạn đại khủng hoảng.
Nhưng liệu chúng ta có thể phân biệt được lần nào là suy thoái(recession), và lần nào đại khủng hoảng (depression)? Tôi cũng không chắc nữa. Hehehe.
Sơn Tùng.

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.