[Chứng khoán] Bài này viết về các kiến thức cực cơ bản.

Trong một tuần mà có tới mấy bạn hỏi tôi tài liệu cơ bản về chứng khoán nên quay ra ngồi lọ mọ viết một số bài về chủ đề này. Có lẽ với đa phần người dân nước ta thì chứng khoán-cổ phiếu còn mới mẻ và bí ẩn nhưng thực ra nó cũng chẳng có gì phức tạp. Tôi dần trả lời mấy câu hỏi cơ bản nhất.
+ Cổ phiếu là gì? và chứng khoán là gì?
Sau một thời gian lao động, hầu hết mọi người đều tích lũy được một số vốn nhất định và mong muốn số tiền này sinh sôi nảy nở, tạo ra thu nhập thụ động để bổ sung cho thu nhập từ tiền lương hay từ kinh doanh buôn bán nhỏ. Ngoài gửi tiết kiệm, mua nhà đất, hoặc mua vàng, đôla để giữ giá đồng tiền, chúng ta còn có những lựa chọn khác. Ta có thể đem số vốn đó cho vay - gọi là mua “trái phiếu” nếu là nhà nước hay doanh nghiệp vay chúng ta; hoặc hùn vốn làm ăn với một doanh nhân - gọi là mua “cổ phần” doanh nghiệp. “Cổ phần” doanh nghiệp này bạn có thể đem ra một cái chợ gọi là “sàn chứng khoán” để mua, bán. “Cổ phần” lúc này được gọi là “cổ phiếu”. “Chứng khoán” bao gồm “trái phiếu”, “cổ phiếu”, và một số loại khác mà ta chưa cần quan tâm.
Ở Việt Nam, khi nhắc tới “chứng khoán”, thì phần lớn mọi người chỉ cần quan tâm tới một loại là “cổ phiếu”, tức là cổ phần của doanh nghiệp được mua, bán ở chợ chứng khoán. Việt Nam có hai cái chợ chứng khoán, một ở Hà Nội, một ở Hồ Chí Minh. Tuy nhiên để mua bán ở hai chợ này, bạn chỉ cần có mạng - có internet hoặc chỉ cần điện thoại là có thể “đi chợ” bình thường. Cụ thể như thế nào tôi sẽ nói sau.
Túm lại.
Trái phiếu: bạn cho vay tiền, hưởng lãi suất cố định.
Cổ phiếu: bạn hùn vốn vào công ty. Nếu công ty có lợi nhuận thì bạn được chia một phần, nếu công ty thua lỗ thì bạn không được chia gì.
Mọi việc bắt đầu trở nên rắc rồi khi “cổ phiếu” được mua, bán ở ngoài chợ. Khi này lợi nhuận hay thua lỗ bạn thu về không chỉ đến từ hoạt động của doanh nghiệp mà còn đến từ biến động giá của “cổ phiếu” ở ngoài chợ. Khổ cái là giá cổ phiếu nhiều khi lên xuống mà chả liên quan gì tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đó có thể là do có người làm giá, đầu cơ đẩy giá lên, hoặc có người muốn mua lại, thâu tóm cả một doanh nghiệp, v.v. Tuy nhiên những biến động này chỉ là trong ngắn hạn, trong thời gian đủ dài, “giá cổ phiếu” của một công ty sẽ phản ánh tình hình kinh doanh của công ty đó. Nôm na là “tiền nào của ấy”.
+ Chứng khoán có phải là trò cờ bạc không?
Mẹ tôi thường bảo: “mày cứ suốt ngày chứng khoán thì có ngày trắng tay con ạ.” Có lẽ với mẹ tôi chứng khoán - cổ phiếu không khác cờ bạc là mấy. Vậy cổ phiếu có phải là cờ bạc không?
Câu trả lời của tôi: vừa có, vừa không. Cổ phiếu đơn giản chỉ là một loại tài sản như vàng bạc, nhà đất mà thôi. Có người mua nhà đất rất hay thắng, cũng có người mua nhà đất lại thua. Cổ phiếu cũng vậy.
Nếu bạn đặt mua một món cổ phiếu mà chả cần phân tích, nghiên cứu gì cả rồi kỳ vọng hôm sau cổ phiếu đó tăng giá để kiếm lời thì mua cổ phiếu cũng giống như đánh bạc. Ngược lại, nếu có sự tìm hiểu, nghiên cứu, tính toán cẩn thận để lần tìm trong hàng ngàn cổ phiếu ở chợ, chọn lấy một vài cổ phiếu mà bạn có xác suất thắng lớn thì khi đó mua/bán cổ phiếu không còn là đánh bạc nữa. Trong bất cứ một trò chơi nào, tôi sẽ không gọi người chơi là đánh bạc nếu họ thường có “xác suất thắng * phần thưởng” lớn hơn “xác suất thua * chi phí thua lỗ”. Ở Mỹ có người chơi ở sòng bạc rất hay thắng tên là: Edward O. Thorp, bác này là giáo sư toán học, sau tham gia đầu tư cổ phiếu cũng rất thành công rồi còn viết tự truyện kể lại hành trình của mình.
Túm lại, xem xét một hành động mua/bán cổ phiếu(hay bất cứ loại tài sản nào) là cờ bạc hay đầu tư cần phải đánh giá quá trình dẫn tới hành động ấy.
Còn tiếp...

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.