[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2014

Các bạn thân mến!
Tiếp đà tăng từ năm 2013, quý 1 năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán. Có lúc VnIndex và HnxIndex đã tăng lần lượt 20.29%, 37.07%. Tuy nhiên thị trường đã giảm điểm trong quý 2 và kết thúc 6 tháng đầu năm VN-Index chỉ còn tăng 14.55% trong khi Hnx tăng 14.87%. Trong thời gian này quỹ Sơn Tùng đã đạt được mức lợi nhuận 26.83%.


Xung đột biển Đông.
Căng thẳng trên biển Đông vào những ngày đầu tháng 5 đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán. Đặc biệt, chỉ số chứng khoán đã giảm mạnh trong ngày 8.5, phiển giảm điểm mạnh nhất trong 13 năm của VN-Index(5.87%) và mạnh nhất trong lịch sử Hnx-Index(6.4%). Quỹ Sơn Tùng may mắn bước vào đợt suy giảm này với 66.8% danh mục là tiền mặt nên không bị tác động nhiều, ngược lại có thể tận dụng cơ hội để mua vào các cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn. Cần nhấn mạnh là tôi không hề dự đoán được thị trường. Vào tháng 5, quỹ nắm giữ lượng tiền mặt nhiều như vậy là do chưa tìm được nhiều cổ phiếu có mức giá rẻ so với giá trị của chúng.


Chiến lược dự phòng.
Nguyên tắc của quỹ Sơn Tùng không phải là dự đoán mà là dự phòng cho tương lai. Chiến lược dự phòng của quỹ hiện tại là nắm giữ tiền mặt và/hoặc các cổ phiếu có nhiều khả năng trở vế giá trị thực trong thời gian ngắn. Lượng tiền mặt nắm giữ phụ thuộc vào hai biến số là những cơ hội đang có và diễn biễn hiện tại của thị trường; trong đó biến số đầu tiên quan trọng hơn cả. Hai biến số này có thể biến động cùng chiều hoặc ngược chiều. Thông thường trong các giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh thì các cơ hội đầu tư giá trị ít đi nhưng cũng có lúc vẫn có nhiều cơ hội đầu tư giá trị hấp dẫn (thị trường chứng khoán Mỹ những năm 1998, 1999).
Trong đầu năm 2014, với một lượng tiền mặt dồi dào chúng ta đã dự phòng tốt cho bối cảnh thị trường suy giảm. Tất nhiên nếu thị trường không suy giảm mà tiếp tục tăng, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Luôn luôn có mẫu thuẫn giữa đòi hòi tìm kiếm tối đa lợi nhuận khi index tăng và vững vàng tồn tại khi index sụt giảm. Tôi tin rằng để thành công, mấu chốt là ta phải tồn tại lúc thị trường khủng hoảng nên sẵn sàng hi sinh phần lợi nhuận lúc thị trường tăng mạnh. [Tuy nhiên, thông thường nói luôn luôn dễ hơn làm ]
Dự phòng hay mua bảo hiểm cho các tình huống xấu xảy ra rõ ràng là một việc làm cần thiết và thường xuyên, là nhiệm vụ thường trực của người quản lý danh mục đầu tư. Nắm giữ tiền mặt thực chất là một dạng bảo hiểm. Trong tương lai, có thể có nhiều cách để thực hiện các loại bảo hiểm này. Mua được các loại bảo hiểm này với mức giá hợp lý là một phần quan trọng để có được tỷ suất lợi nhuận tốt với mức rủi ro chấp nhận được.


Tâm lý đám đông.
Đọc và suy nghĩ kỹ hơn về xung đột biển Đông, tôi nghĩ rằng rủi ro trong trung hạn với nhiều doanh nghiệp sau sự kiện này đúng là lớn hơn trước. Tuy nhiên, về cơ bản hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khác không hề chịu ảnh hưởng. Tôi cho rằng, việc các cổ phiếu này giảm sàn chỉ vì sự kiện này là không hợp lý với các yếu tố cơ bản của chúng. Các nhà đầu tư bị tâm lý đám đông chi phối đã bán tháo hàng loạt. Sau khi họ bình tĩnh trở lại, rất nhiều cổ phiếu đã quay về, thậm chí vượt qua mức giá trước khi xung đột xảy ra.
Tâm lý đám đông là bản năng của con người và có sức mạnh ghê gớm, lấn át ý chí và chi phối quyết định đầu tư của mỗi chúng ta. Tôi nghĩ chỉ có nắm chắc giá trị của doanh nghiệp, hiểu rõ các cổ phiếu trong danh mục của mình, chúng ta mới có sự độc lập tương đối khi ra các quyêt định mua bán. Đây là yếu tố sống còn đối với người quản lý danh mục đầu tư. Do đó nếu không hiểu doanh nghiệp, tốt nhất là chúng ta không nên mua cổ phiếu.


Chiến lược đầu tư.
Lịch sử cho thấy tương lai sẽ còn xảy ra những sự việc tương tự và rất khó để dự đoán khi nào chúng xảy ra và với mức độ ra sao. Tôi luôn cố gắng xây dựng một danh mục đầu tư mà chúng ta có thể trụ vững qua nắng mưa và bão táp thị trường đồng thời tận dụng những sự biến động của thị trường để thu được một tỷ suất lợi nhuận hợp lý cho danh mục. Làm thế nào để đạt được mục tiều ấy?
Như các bạn đã biết danh mục của chúng ta hiện nay thường gồm hai phần là cổ phiếu và tiền gửi ngân hàng. Tôi sẽ nói rõ hơn về phần cổ phiếu. Với cổ phiếu tôi có thể tạm thời chia làm một số loại sau:


(1) NetNet: đây là các cổ phiếu dưới giá trị thông thường, có định giá rẻ so với tài sản của doanh nghiệp, và thường là tài sản ngắn hạn. Các doanh nghiệp này thường đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận, đôi khi là thua lỗ. Trong khi đó thị trường chỉ thích lợi nhuận và lợi nhuận nên các doanh nghiệp này bị ruồng bỏ. Tới một mức độ nào đó, mức giá của các cổ phiếu này trở nên hấp dẫn so với giá trị của chúng, và có biên an toàn đủ hấp dẫn để chúng ta mua vào.

(2) GoodGood: đây cũng là các cổ phiếu dưới giá trị thông thường, nhưng khác với NetNet, GoodGood có định giá rẻ khi so với lợi nhuận mà doanh nghiệp này mang lại cho chủ sở hữu (lợi nhuận này không đồng nghĩa với lợi nhuận theo sổ sách kế toán). Trong thể loại GoodGood, tôi thích các doanh nghiệp đơn giản, dễ hiểu, kiếm được mức lợi nhuận tốt và không phải đầu tư nhiều nhưng vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh và có mức tăng trưởng khá. Dễ nhận thấy là trái với NetNet, giá trị của GoodGood tăng lên theo thời gian. Do vậy thời gian nắm giữ GoodGood có thể lâu hơn NetNet. Tuy nhiên, điểm mua vào của GoodGood thường có biên an toàn thấp hơn so với NetNet.

(3) Work Out: NetNet và GoodGood có định giá rẻ nhưng không có tác nhân thật sự rõ ràng để giá của các cổ phiếu này trở về gần với giá trị thực. Do đó các cổ phiếu này thường biến động cùng chiều với thị trường. Chúng hấp dẫn đơn giản vì biên an toàn của chúng cao. Trong khi đó, Work Out là các cổ phiếu dưới giá trị đặc biệt. Mặc dù có biên an toàn thấp hơn nhưng các cổ phiếu này lại có các tác nhân có thể khiến giá cổ phiếu trở về gần với giá trị thực trong một khung thời gian nhất định. Do vậy các cổ phiếu này biến động độc lập hơn so với biến động của thị trường nói chung. Các cổ phiếu này cộng với tỷ lệ tiền mặt nhất định giúp chúng ta ít phụ thuộc vào biến động chung của thị trường. Ngoài ra các cổ phiếu Work Out còn đóng vai trò quan trọng khi chúng tái cung cấp dòng tiền(thanh khoản) cho danh mục để chúng ta có thể tận dụng các cơ hội mua các cổ phiếu NetNet và/hoặc GoodGood.

Với một danh mục được phẩn bổ như vậy, tôi cho rằng chúng ta có thể thua kém index trong giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh nhưng tôi hi vọng chúng ta sẽ đánh bại thị trường trong giai đoạn giảm điểm. Về dài hạn, tôi tin rằng chiến lược này sẽ giúp chúng ta đánh bại thị trường. Lại nhớ nguyên tắc số một trong đầu tư chứng khoán là hạn chế thua lỗ, lợi nhuận tự nó sẽ tìm đến với bạn. 

Tôi hi vọng những chia sẻ này đã giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về triết lý và phương pháp đầu tư của quỹ.
Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc nào, tôi luôn sẵn lòng trả lời.
Trân trọng.
Sơn Tùng.

02/07/2013

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.