Bác sỹ Michael Burry [Phần 3] - Từ PTKT đến đầu tư giá trị và “The Big Short”.

 ​
Tiếp phần trước "Theo dấu khủng hoảng và tìm kiếm lợi nhuận"
Michael thực hiện thương vụ CDS đầu tiên của mình vào ngày 19-05-2005 với ngân hàng Deutsche Bank. Michael mua 60 triệu đô la chia đều cho 6 CDS. Michael đã nghiên cứu chi tiết từng CDO để tìm ra CDO nào sẽ dễ bị mất giá nhất trong khoảng thời gian sớm nhất. Tuy nhiên Michael vô cùng ngạc nhiên khi phía Investment Bank(IB) gửi offer price cho anh về các CDS. Lý do là vì IB đưa ra mức giá chung cho các CDS của các CDO có cùng rating. Điều này chẳng khác nào nói rằng thị trường CK VN xếp hạng chung là thị trường cận biên, do đó bạn có thể mua các cổ phiếu trong thị trường này với cùng một mức giá. Do vậy Michael thường tỏ ra là một kẻ hơi ngốc nghếch khi chọn mua một CDS cụ thể nào đó vì anh không muốn phía IB thắc mắc lý do rồi sau đó thay đổi giá. Lúc đầu chỉ có Goldman Sachs và Deutsche Bank thực hiện deal với Michael nhưng càng ngày càng có nhiều ngân hàng khác nhảy vào thị trường này và chào bán CDS cho Michael. Giá trị của từng deal cũng tăng lên nhanh chóng từ 5 triệu - 10 triệu rồi tới 100 triệu đô. Cho tới cuối tháng 7 thì Michael đã đầu tư tổng cộng 750 triệu đô la vào thị trường CDS.

Việc các IB luôn sẵn sàng bán các CDS cho Michael khiến Michael này ra ý tưởng mở hẳn một quỹ đầu tư riêng để đầu tư vào các CDS này. Vào tháng 8-2005, Michael viết thư cho các nhà đầu tư trình bày ý tưởng của mình. Anh hi vọng có thể thu hút hàng tỷ đô la để đầu tư vào thị trường CDS. Không ngờ việc raise fund của Michael thất bại. Nhiều nhà đầu tư không hiểu các CDS này có gì hấp dẫn, một vài người thắc mắc liệu Michael có làm điều tương tự với quỹ Scion hay không? Có thể nói nếu Michael thành công trong vụ raise fund này thì cái tên nổi nhất sau khủng hoảng có thể không phải là John Paulson mà là Michael Burry. Chỉ 9 tháng sau thất bại của Michael, John Paulson đã thành công trong việc huy động nhiều tỷ đô la để đầu tư vào CDS. John Paulson hơn Mike 16 tuổi và có lẽ với kinh nghiệm cùng kỹ năng giao tiếp tốt nên đã raise fund tốt hơn nhiều một anh chàng Michael giao tiếp xã hội rất kém.

Michael không ngờ rằng thất bại trong vụ raise fund còn kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Các nhà đầu tư tin tưởng vào kỹ năng phân tích và lựa chọn cổ phiếu theo bottom-up của Michael chứ không phải là khả năng dự đoán các xu hướng vĩ mô của anh. Trước thắc mắc và yêu cầu của các nhà đầu tư, Michael đành phải ngửa bài. Trong thư viết cho cổ đông vào tháng 10-2005, Michael tiết lộ rằng anh đã đầu tư phần lớn tiền của quỹ Scion vào thị trường CDS vì anh cho rằng đây chính là lúc mà thị trường gặp lỗi nghiêm trọng. Những “lỗi hệ thống” này đã xuất hiện trong quá khứ mà gần nhất là bong bóng chứng khoán tại nhật và bong bóng internet ở Mỹ. Michael cho rằng những cơ hội tuyệt vời thế này vô cùng hiếm trong đời đầu tư nên anh sẵn sàng tất tay khi anh tin tưởng 100% vào nhận định của mình.

Michael bây giờ gặp một vấn đề kinh điển của các nhà đầu tư giá trị - anh có ý tưởng đầu tư tuyệt vời nhưng lại không có sự tin tưởng từ các nhà đầu tư của mình. Qua năm 2006, sự tin tưởng của các nhà đầu tư ngày càng giảm dần khi mà giá trị của các CDS ngày càng giảm và quỹ Scion Capital phải ghi nhận thua lỗ hàng tháng, hàng quý. Michael ghi ngờ các ngân hàng đã thao túng mức giá của CDS vì thực tế anh không thể mua được CDS với mức giá mà các ngân hàng này cung cấp. Tuy nhiên các nhà đầu tư của quỹ Scion thì ngày càng sốt ruột và một số người bắt đầu muốn rút tiền khỏi quỹ. Khi thành lập quỹ Scion, để đảm bảo các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn, Michael đã yêu cầu các nhà đầu tư cam kết cứ qua 1 hoặc 2 năm mới được rút tiền 1 lần. Thật không may là cuối năm 2006 là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư có thể thực hiện rút tiền. Đứng trước thử thách khó khăn, Michael quyết định thực hiện thủ tục 'side pocket' - không cho phép các nhà đầu tư được rút tiền. Thì ra trong luật có điều khoản cho phép fund manager từ chối cho các nhà đầu tư rút tiền nếu họ cho rằng asset classes mà quỹ nắm giữ thiếu thanh khoản hoặc có sự thao túng giá cả. Quyết định này của Michael đã làm bùng phát sự giận dữ của các nhà đầu tư và họ cùng nhau kiện Michael ra tòa. Theo sách "The big short" thì Joel Greenblatt cũng là một là một trong các nhà đầu tư nảy sinh mâu thuẫn và nghi ngờ Michael khi biết anh đầu tư vào CDS. Lewis mô tả sự việc này theo kiểu "thần tượng sụp đổ" vì Joel Greenblatt chẳng khác nào bố già, người đỡ đầu cho thành công của Michael. Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn chính xác vì Joel nói rằng ông chỉ không đồng ý việc Michael đóng trade các CDS cho doanh nghiệp chứ không phản đối việc đóng trade với các CDS cho các CDO. Joel tiết lộ rằng lý do duy nhất khiến ông rút tiền ra khỏi quỹ của Michael là vì chính quỹ của ông cũng bị các nhà đầu tư rút tiền. (Joel là thần tượng của tôi nên tôi tin vào điều ông nói hơn. ^_^)

Trong suốt năm 2006 và đầu năm 2007, Michael phải chịu stress khủng khiếp khi anh chứng kiến sự giận dữ của các nhà đầu tư. Họ nguyền rủa, thóa mọa và rồi kiện Michael ra tòa bất chấp những cố gắng giải thích của anh. Mọi việc bắt đầu thay đổi từ giữa năm 2007 khi thị trường nợ dưới chuẩn bắt đầu khủng hoảng nghiêm trọng và giá CDS bắt đầu tăng. Michael biết rằng lúc này các ngân hàng đầu tư đã thay đổi vị thế từ bán sang mua CDS. Thực tế Goldman Sachs lúc đó đã mua rất nhiều CDS từ AIG. Có lúc họ mua nhiều đến nỗi Goldman Sachs nhận ra rằng sự tồn tại của họ phụ thuộc vào sự tồn tại của AIG nên họ phải mua các loại chứng khoán để hedge khả năng AIG phá sản. Khi chính phủ Mỹ giải cứu AIG thì một phần tiền trong số này trực tiếp là để trả cho Goldman Sachs - công ty mà bộ trưởng tài chính Henry Paulson là cựu CEO.

Như chúng ta đều biết thì khủng hoảng sau đó đã nổ ra và giá CDS đã tăng mạnh. Quỹ Scion sau khi thua lỗ 18% trong năm 2006 đã tăng tới 166% trong năm 2007. Trải qua quá nhiều áp lức Michael quyết định đóng quỹ vào năm 2008 và trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Tổng kết sau 8 năm quỹ Scion có mức return là 472%( Gross return 696% trước khi trừ phí) trong khi chỉ số S&P chỉ tăng 5.2% trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư đã thu được tỷ suất lợi nhuận rất lớn nhưng khi nhận tiền họ đã không hề xin lỗi hay cám ơn Michael. Tất cả những thứ Michael nhận được chỉ là sự im lặng.

 ​

Sau khi giải thể quỹ Scion, Michael chỉ đầu tư bằng tài khoản cá nhân. Tuy nhiên giữa năm 2013, Michael đã tái xuất giang hồ và nhanh chóng huy động được trên 100 triệu đô tính đến tháng 9 năm 2013. Không rõ lần này Michael đã đánh hơi thấy con mồi ở asset classes nào.

Nguồn:
Book: The Big Short - Inside the Doomsday Machine.
http://www.nathanwailes.com/forum/viewtopic.php?f=5&t=92
http://streetcapitalist.com/2010/03/24/learning-from-michael-burry/
http://www.valuewalk.com/michael-burry-resource-page-bio-quotes-investment-style-videos-etc/
SonTung - thành viên CLB Đầu tư giá trị.

16.11.2013

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.