Quỹ mở - Ủy thác Broker, Money Manager: Lựa chọn nào cho nhà đầu tư cá nhân?

 ​
Thông thường một người có nhu cầu đầu tư chứng khoán nhưng không có thời gian để nghiên cứu thì có các lựa chọn: (1) đầu tư vào quỹ mở, (2)ủy thác cho StockBroker hoặc Money Manager. Tôi lược dịch và trình bày ý kiến của Seth Klarman về vấn đề này trong cuốn "Margin of safety".

Quỹ mở.
Quỹ mở theo lý thuyết là một lựa chọn tốt của các nhà đầu nhỏ khi hội tụ các yếu tố: quản lý chuyên nghiệp, chí phí thấp, có tính thanh khoản cao và danh mục đầu tư đa dạng. Tuy nhiên trong thực tế thành tích của quỹ mở chỉ đạt mức trung bình mặc dù có một số quỹ là ngoại lệ.

Quỹ mở có ưu điểm là dễ dàng gửi và rút tiền khỏi quỹ với chi phí không đáng kể, một ưu điểm nổi trội hơn quỹ đóng. Tuy nhiên chính ưu điểm này lại dẫn tới một hạn chế của quỹ mở. Vì dễ dàng chuyển đổi nên các nhà đầu tư nhỏ thường nhanh chóng bỏ chạy khỏi các quỹ có kết quả kém trong thời gian gần đây. Trong khi đó lợi nhuận của quỹ mở trực tiếp đến từ phí quản lý và chỉ gián tiếp đến từ performance. Các quỹ phải tìm cách giữ chân nhà đầu tư nên họ không để kết quả kém hơn mọi người dù chỉ trong ngắn hạn. Kết quả là thông thường họ sẽ gia nhập vào đám đông để có kết quả tương đương như đám đông.
Tuy nhiên, có một số ngoại lệ như Mutual Series Funds and the Sequoia Fund. Đây đều là các quỹ hướng tới lợi nhuận dài hạn và các nhà đầu tư vào các quỹ này cũng thường có tầm nhìn trong dài hạn. Triết lý đầu tư của 2 quỹ này là đầu tư giá trị. (Ở VN hiện này vừa xuất hiện một số quỹ mở như VFA, VF1, etc. Tuy nhiên vì mới xuất hiện nên chúng ta chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá về các quỹ này)

Stockbroker và Money Manager
Một số Stockbroker ngoài việc môi giới còn cung cấp dịch vụ nhận tiền ủy thác của các nhà đầu tư. Điều này dễ dẫn tới xung đột lợi ích khi Stockbroker cũng được nhận phí môi giới từ các giao dịch của các nhà đầu tư. Tuy vậy nhà đầu tư hoàn toàn có thể lựa chọn Stockbroker cũng giống như Money Manager để ủy thác. Câu hỏi đặt ra là mặc dù có rất nhiều Stockbroker và Money Manager, làm thế nào để lựa chọn được người phù hợp?

Khó khăn lớn nhất khi lựa chọn người ủy thác là hiểu những việc họ làm, đánh giá phương pháp đầu tư(có logic hay không?) và sự trung thực của họ (có làm theo những điều họ đã hứa ? Có hành động trước nhất vì lợi ích của bạn?).

Nên bắt đầu đánh giá từ đâu? Có nhiều cách thức để tìm hiểu về Stockbroker và Money Manager, trong đó các cuộc phỏng vấn trực tiếp có vai trò quan trọng. Khía cạnh đầu tiên nên tìm hiểu về những người quản lý này chính là đạo đức cá nhân. Ví dụ họ có đầu tư tiền của bạn cùng với tiền của họ vào cùng một chỗ hay không? Hay nói theo cách của Buffett là họ có ăn chung cùng món với bạn hay không? Họ có đối xử công bằng với các nhà đầu tư khác nhau không? Nếu không thì tại sao và cụ thể như thế nào? Các giao dịch có được thực hiện công bằng cho tất cả khách hàng không? Nếu không thì họ đã điều chỉnh thế nào để đảm bảo sự công bằng?

Về khả năng đạt được return tốt? Broker hoặc Money Manager quản lý số tiền là bao nhiêu, liệu chúng có tăng lên quá nhiều hay không? Đặc biệt cần xem thành tích của người quản lý từ khi người đó quản lý số tiền tương đương như hiện nay. Thông thường thì khi số tiền quản lý tăng lên quá nhiều sẽ làm giảm return. Khả năng quản lý được bao nhiêu tiền phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và kỹ năng của người quản lý.
Một khía cạnh nữa cần xem xét là triết lý đầu tư. Liệu người quản lý có một chiến lược thông minh để có nhiều khả năng mang đến lợi nhuận tốt trong dài hạn hay không? (Tất nhiên theo tôi thì chiến lược đó là đầu tư giá trị). Người quản lý chú trọng tới một tỷ lệ return cố định và lo lắng về những thứ xảy ra không theo mong muốn hay anh ta thường so sánh kết quả với đám đông? Liệu có hay không các nguyên tắc cứng nhắc như cần phải luôn luôn nắm giữ toàn bộ cổ phiếu trong danh mục?

Đánh giá kết quả đầu tư.
Trước khi quyết định gửi tiền của bạn cho một tổ chức hay cá nhân thì rõ ràng cần phải xem xét thật kỹ kết quả đầu tư của tổ chức hoặc cá nhân đó. Có rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra và trả lời:
(1) Kết quả đầu tư(track record) đạt được trong thời gian bao lâu? Đó là thành tích trong một hay nhiều thị trường/chu kỳ của nền kinh tế? Người đạt được thành tích đó có phải là người sẽ quản lý tiền của bạn hay không và thành tích này có phải thành tích trong toàn bộ sự nghiệp đầu tư của anh ta hay chỉ là thành tích trong khoảng thời gian thuận lợi với chiến lược đầu tư của anh ta? Khi thị trường giảm điểm thì kết quả của anh ta thế nào? Kết quả đầu tư là ổn định hay biến động mạnh? Thành tích đạt được là nhờ một hoặc hai vụ đặc biệt thành công hay là đến từ nhiều vụ thành công nhỏ? Nếu thành tích của người quản lý chỉ ở mức trung bình sau khi loại đi vài thương vụ thành công đặc biệt thì liệu có lý do hợp lý để cho rằng các phi vụ thành công đặc biệt này sẽ tiếp tục đến trong tương lai? Liệu người quản lý có tiếp tục tuân thủ triết lý đầu tư đã mang lại thành công cho anh ta hay không?

(2) Đánh giá rủi ro. Các nhà đầu tư có thể loại bỏ các nhà đầu tư có thành tích kém trong dài hạn nhưng không nhất thiết là phải thuê người có thành tích tốt nhất trong thời gian gần đây. Cần phải đánh giá lợi nhuận đồng hành với những rủi ro kèm theo. Ví dụ chúng ta có thể xem xét người quản lý có luôn luôn giữ 100% chứng khoán trong danh mục hoặc thậm chí hơn khi sử dụng margin ? (Margin là không cần thiết và không thích hợp cho hầu hết các nhà đầu tư).
Nếu người quản lý đạt được kết quả tốt trong khi vẫn nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định trong tài khoản thì đây là phương pháp ít rủi ro. Cũng cần xem xét các cổ phiếu nắm giữ trong danh mục có rủi ro hay không, ví dụ như cổ phiếu của các công ty có nợ lớn, đòn bẩy cao? Các nhà quản lý đã làm gì để giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư - đa dạng hóa danh mục, bảo hiểm rủi ro hay đầu tư vào các loại chứng khoán có sự an toàn cao?

Rất dễ dàng để so sánh kết quả của các Money Manager nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để đánh giá rủi ro đi kèm với các kết quả ấy. Trong ngắn hạn lợi nhuận tốt có thể là nhờ may mắn. Xác suất thông kê cho thấy ai cũng có thể đạt được return tốt trong một giai đoạn nhất định. Công việc của người đánh giá là phải xem xét return đó đạt được là do may mắn hay do kỹ năng?

(3) Xem xét yếu tố chu kỳ. Nhiều người sai lầm khi chọn Money Manager giống như chọn ngựa đua. Họ xem con nào đua tốt thời gian gân đầy và cược vào chú ngựa đó. Cần biết chiến lược đầu tư cũng đi theo các chu kỳ của nó.Một phương pháp đầu tư có thể kết quả rất tốt trong giai đoạn này lại có thể cho kết quả kém trong một giai đoạn khác. Nếu một Money Manager có thành tích tốt trong dài hạn nhưng lại có kết quả kém gần đầy thì có thể là do chiến lược đầu tư của anh ta tạm thời hoạt động trong điều kiện không thuận lợi. Nếu vậy thì return của anh ta có thể trở lại như cũ khi mà các chu kỳ đầu tư thay đổi. Một vài năm có kết quả kém có thể kế tiếp bằng các năm có kết quả tốt.

(4) Nhà đầu tư cần xem xét điều kiện của mình có phù hợp với Money Manager hay không. Thông thường, nếu không duy trì được mối quan hệ cá nhân thì quan hệ kinh doanh cũng khó mà duy trì được. Tương tự nếu không thoải mái với một chiến lược đầu tư nhất định thì chúng ta không nên hợp tác với các Money Manager tuân theo chiến lược ấy. Ví dụ, một nhà đầu tư cẩn trọng có thể không cảm thấy thoải mải khi người quản lý của họ dùng đòn bẩy hoặc bán khống, mặc dù các Money Manager này có kết quả rất tốt. Ngược lại, những nhà đầu tư nào thiếu kiên nhẫn thì không phù hợp với các Money Manager theo chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn.

(5) Sau khi đã quyết định ủy thác cho một Money Manager cụ thể thì các nhà đầu tư nên thường xuyên giám sát hành động và kết quả của Money Manager đó. Tất cả các yếu tố mà chúng ta đã điều tra về Money Manager trước khi thuê họ cần được đánh giá lại một cách định kì sau khi chúng ta đã thuê Money Manager.

Kết luận: Một quyết định đầu tư bao giờ cũng kèm theo những rủi ro nhất định. Nếu bạn bỏ ra nhiều mồ hôi công sức để kiếm tiền thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư số tiền đó. Với kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các bạn nếu có điều kiện hãy tự mình đầu tư theo triết lý đầu tư giá trị hoặc thuê các nhà đầu tư giá trị có thành tích tốt.

Nguồn: Chapter 14. Margin Of Safety. Seth Klarman
Người dịch: SonTung - thành viên CLB Đầu tư giá trị.
PS: Hic, sách của bác ấy bán cả ngàn đô, em lại dịch rồi post lung tung thế này không biết sau này có bị kiện bản quyền gì không. Hi vọng bác ấy nể tình đồng môn mà tha cho bậc hậu bối. :D
26/11/2013

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.