[Phần 1] Quản lý danh mục đầu tư.

Lựa chọn cổ phiếu giống như đánh từng trận nhỏ còn quản lý danh mục đầu tư là đánh cả cuộc chiến. Ta có thể thua trong từng trận đánh nhỏ nhưng mấu chốt là phải đảm bảo thắng cả cuộc chiến. Do vậy vai trò của người quản lý danh mục đầu tư quan trọng như vai trò của người thống lĩnh trên chiến trường.

 ​
Vì sao lại cần quản lý danh mục đầu tư? Thông thường một nhà đầu tư giỏi thì cũng chỉ có khả năng lựa chọn cổ phiếu với xác xuất thắng/thua là 7/3 (cái này là tôi nghe các cao thủ nói vậy :)). Vậy nhà đầu tư đó có nên cược tất cả số tiền của mình vào cổ phiếu đó hay không? Nếu chọn cược tất cả thì nhà đầu tư đó chịu rủi ro khá lớn bởi thực tế vẫn có 3 phần thua và nếu thua là mất toàn bộ vốn. Ngược lại nếu nhà đầu tư đó chia số tiền của mình ra làm nhiều phần để đặt cược nhiều lần mà mỗi lần xác suất thắng/thua = 7/3 thì sau khi trải qua liên tiếp nhiều lần cược, nhà đầu tư sẽ có khả năng thắng cược với mức độ an toàn cao hơn. Quá trình này đòi hỏi tới việc quản lý danh mục đầu tư. Tôi quan niệm quản lý danh mục đầu tư bao gồm một số việc như hoạt động mua bán và đánh giá lại các cổ phiếu nắm giữ, quyết định số lượng cổ phiếu nắm giữ, quản lý dòng tiền, mức độ thanh khoản và cuối cùng là thực hiện một số cách(hedge) để bảo hiểm rủi ro cho cả danh mục.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người quản lý là quyết định nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu trong danh mục. Trong đầu tư giá trị thì có hai trường phái khác nhau cho vấn đề này. Trường phái cổ điển đại diện bởi Ben Graham, Walter Schloss ủng hộ việc diversification và thường nắm giữ trên 25 cổ phiếu(Walter Schloss thường nắm giữ tới 60 cổ phiếu). Trường phái thứ hai là trường phái hiện đại mà tiêu biểu là Warren Buffett, Charlie Munger, Bruce Berkowitz và Joel Greenblatt. Trường phái hiện đại ủng hộ danh mục tập trung(concentrated portfolio) và họ thường nắm giữ dưới 10 cổ phiếu(Tuy nhiên vì Buffett quản lý quá nhiều tiền nên ông phải mua nhiều cổ phiếu hơn). Sự khác nhau này là do chiến lược thực hiện của hai bên khác nhau, trường phái cổ điển thường có xu hướng đầu tư vào Net-Net, thường là cổ phiếu của các công ty có vấn đề, có vốn hóa nhỏ và có thể nói là rủi ro của các doanh nghiệp này khá cao nên Graham khuyên mọi người nên thực hiện nắm giữ nhiều cổ phiếu(diversification). Trường phái hiện đại thì chủ yếu đầu tư vào các công ty tốt(great business) nên rủi ro phá sản, dừng hoạt động của các công ty này thấp. Các công ty tốt có ROIC cao(>20%) và thường có không có nhiều. Công ty tốt mà giao dịch ở mức giá hợp lý lại càng ít nên cũng dễ hiểu vì sao các nhà đầu tư thuộc trường phái hiện đại thường nắm giữ số ít cổ phiếu trong danh mục. Bản thân tôi thì đang theo đuổi cả hai trường phái này và tôi cố gắng nắm giữ từ 10-15 cổ phiếu cho mỗi trường phái. Tôi cảm thấy như vậy là đủ tập trung và đủ đa dạng hóa danh mục.(Trong tương lai khi trình độ đầu tư của tôi tốt hơn có lẽ tôi sẽ nắm giữ ít cổ phiếu hơn). Ngoài ra, việc nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Khi thị trường giảm điểm thì chúng ta có nhiều lựa chọn vì có nhiều cổ phiếu dưới giá trị (undervalue stocks) nhưng khi thị trường tăng điểm thì ngược lại có rất ít lựa chọn.

Note: thông tin bên lề một chút là Seth Klarman trong cuốn Margin Of Safety khuyên nên nắm giữ từ 10-15 cổ phiếu. Còn Michael Burry nói anh thường nắm giữ từ 12-18 cổ phiếu trong danh mục.

Nên giữ tỷ lệ tiền/chứng khoán trong danh mục là bao nhiêu? Các nhà đầu tư giá trị cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề này và quyết định thế nào dường như phụ thuộc vào cảm tính của mỗi nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư như Michael Burry, Walter Schloss có khuynh hướng đầu tư toàn bộ danh mục vào chứng khoán(fully invested). Ngược lại Bruce Berkowitz và Seth Klarman thường giữ một lượng tiền nhất định trong danh mục. Cá nhân tôi tự đặt ra mục tiêu chỉ đầu tư tối đa 85% vào cổ phiếu trong điều kiện thị trường bình thường. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định. Tất nhiên điều này sẽ làm giảm lợi nhuận khi thị trường tăng điểm. Chi phí của việc nắm giữ tiền mặt, duy trì tính thanh khoản cho danh mục cần phải được xem xét kỹ càng so với lợi ích mà nó mang lại. Lợi ích của việc nắm giữ tiền mặt là hạn chế phần nào rủi ro thị trường khi thị trường khủng hoảng. Quan trong hơn, việc có tiền khi thị trường giảm điểm giúp ta có can đảm và có khả năng để tiếp tục mua vào cổ phiếu ở mức giá rẻ hơn. Nhìn chung, tuy có thể khác nhau trong điều kiện bình thường nhưng các nhà đầu tư giá trị thường giống nhau ở một điểm là khi không thể tìm được cổ phiếu dưới giá trị thì họ sẵn sàng chuyển qua nắm giữ tiền mặt. Đây sẽ là một quyết định rất khó khăn trong lúc thị trường tăng điểm mạnh, bạn bè của bạn giàu lên nhanh chóng và họ cười vào quyết định đứng ngoài cuộc của bạn. Lúc này là lúc thử thách công lực của mỗi nhà đầu tư. :)

Nguồn:
Tham khảo sách Margin of Safety, tác giả Seth Klarman.
SơnTùng - thành viên CLB đầu tư giá trị.
13/12/2013

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.