Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư năm 2014

Các nhà đầu tư thân mến!
Năm 2014, như thường lệ, là một năm nhiều biến động cho chứng khoán Việt Nam. Trên đà tăng từ cuối năm 2013, thị trường tăng điểm mạnh trong quý 1 để rồi giảm điểm rất mạnh vào quý 2 khi sự cố biển Đông xảy ra. Mọi chuyện sau đó cũng ổn định và thị trường nhanh chóng quên đi quá khứ để tăng mạnh trong quý 3 và quý 4 trước khi một lần nữa lao dốc vào những ngày cuối năm do sự sụt giảm của các cổ phiếu dầu khí. Kết năm VN Index tăng 8.13% trong khi HNX Index tăng 22.32%. Quỹ Sơn Tùng đạt tỷ suất lợi nhuận là 38.4% trong năm nay.


Note:
Mức tăng/giảm của chỉ số VN Index và HNX Index chưa bao gồm cổ tức được nhận.
Mức tăng/giảm của quỹ Sơn Tùng năm 2014 bao gồm các cổ tức đã nhận và sắp được nhận.

Hoạt động của quỹ trong năm 2014.
Trái với sự biến động mạnh của thị trường, trong năm 2014 giá trị của quỹ tương đối ổn định, chủ yếu là vì quỹ thường nắm giữ một lượng tiền mặt khá lớn hầu như trong suốt cả năm qua. Chúng ta bước vào năm 2014 với 25.5% tiền mặt, đến giữa năm là 52.4% và kết năm với 48.4% tiền mặt trong danh mục.
Hầu hết các thương vụ thành công trong năm nay là thành quả của những nghiên cứu từ năm ngoái. Tôi thực sự không có nhiều ý tưởng mới xuất sắc trong năm nay và sự thiếu vắng các ý tưởng đầu tư này nhiều khả năng sẽ được thể hiện trong kết quả năm 2015. Bởi lẽ với 48.4% là tiền mặt(nhiều hơn năm ngoái), thật khó để hi vọng có một tỷ suất lợi nhuận tốt hơn trong năm 2015.
Trong 50 năm đầu tư, Walter Schloss thường thấy rằng cứ sau 2,3 năm thuận lợi là một năm khó khăn. VN Index và HNX Index đều đã có những kết quả khả quan trong 2,3 năm vừa qua, do vậy chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi chứng kiến những kết quá kém hơn trong năm nay. Dù cố gắng thế nào thì tôi nghĩ chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là không phải năm nào cũng đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%. Sẽ có những năm chúng ta không đạt được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trong dài hạn, tỷ suật lợi nhuận 20%/năm vẫn là mục tiêu tôi hướng tới.

Nhìn lại quá trình đầu tư cổ phiếu PGT.
Trong thư gửi các nhà đầu tư năm 2013 và bán niên 2014, tôi đã trình bày về triết lý và các chiến lược đầu tư giá trị của quỹ. Năm nay, tôi sẽ trình bày một thương vụ đầu tư cụ thể để các bạn hiểu rõ hơn về triết lý và các chiến lược đầu tư đó.
Tôi liên tục mua vào cổ phiếu PGT, một cổ phiếu NetNet, tại giá mức giá trung bình 3.0K trong quý I và quý II năm 2013. Lúc đó tôi định giá tài sản PGT trong khoảng 5.6K - 7.3K. Vâng, một khoảng rất rộng, nhưng dù thế nào thì giá 3.0K vẫn là dưới giá trị :D. Trải qua khoảng 1 năm nắm giữ, tôi bán PGT vào quý I năm 2014 khi cổ phiếu tiệm cận về mức định giá tôi đã tính toán. Xin nói thêm đây là giai đoạn thị trường tăng rất mạnh và PGT cũng như nhiều cổ phiếu khác đều tăng theo thị trường.
Vài tháng sau đó, khi có thông tin một doanh nghiệp Nhật muốn mua lại cổ phiếu PGT, tôi quay lại xem xét cổ phiếu này. Với thông tin mới, PGT lúc này từ NetNet thuần túy đã chuyển qua thể loại Special situations - những tình huống đặc biệt mà giá cổ phiếu có thể trở về gần giá trị thực trong khoảng thời gian xác định. Giá cổ phiếu PGT tăng khá mạnh sau khi có thông tin trên nhưng một thời gian ngắn đã lùi lại về mức giá 6.0K. Từ báo cáo tài chính quý 1 năm 2014, tôi tính toán lại và định giá PGT đạt mức 8.1K - 8.3K .Qua các quý, bảng cân đối tài chính của PGT tiến triển rất tốt, công ty tiếp tục thanh lý tài sản, tiền mặt tăng lên. Lúc này tôi mua lại cổ phiếu PGT dù biên an toàn thấp hơn so với lần mua trước đó. Tới tháng 12/2014, không có một lý xác định nhưng PGT tăng tới mức giá 8.x và tôi may mắn bán được tại mức giá này.
Đây là một thương vụ tiêu biểu cho các hoạt động đầu tư của quỹ. Cũng có những lúc tôi chờ mức giá tốt hơn một chút để bán nhưng cổ phiếu sau đó lại giảm giá hoặc sau khi bán xong thì cổ phiếu lại tiếp tục tăng giá mạnh. Các bạn biết đấy, quyết định bán chưa bao giờ là dễ dàng và ngay cả Warren Buffett cũng có lúc hối hận cho quyết định của mình. Thật may là nếu quyết định mua chính xác thì quyết định bán không cần quá hoàn hảo để thu được lợi nhuận.

Chiến lược đầu tư
Từ một ví dụ trên, các bạn có thể thấy chiến lược đầu tư của quỹ khá đơn giản. Điểm khó chính là ở khâu thực hiện vì đôi khí nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật rất lớn. Bạn mua một cổ phiếu và có thể hàng năm trời mà nó không tăng giá, thậm chí nó có thể giảm giá trong lúc thị trường tăng điểm mạnh. Kiên nhẫn, kỷ luật và thận trọng là những thứ khó nhất với các nhà đầu tư vì nó thuộc về tích cách, bản năng của mỗi người. Tôi còn nhớ Mark Seller có nói tại đại học Harvard rằng sau 15 tuổi thì các tố chất cần có của một nhà đầu tư thành công đã định hình và rất khó để thay đổi. Các chiến lược này còn khó hơn với các nhà đầu tư tổ chức vì họ phải chịu sức ép về tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn.
Có tầm nhìn dài hạn là một yếu tố quan trọng trong đầu tư giá trị. Khi mua các công ty tốt, tôi không quan tâm tới việc quý sắp tới lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ thế nào mà nhìn dài hạn hơn, thường là 2,3 năm sau doanh nghiệp sẽ thế nào. Đôi khi có thể là 5-10 năm tới. Tôi cũng không chỉ đọc báo tài chính của quý hay năm hiện tại mà thường lùi lại càng xa càng tốt để tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ thuận lợi cũng như trong giai đoạn khó khăn. Từ đó cũng có thể phần nào hiểu thêm về lời nói và hành động thực tế của lãnh đạo doanh nghiệp.

Năm 2015
Đôi khi tôi thấy sợ hãi khi bước qua năm mới mà chưa biết điều gì đang chờ đợi chúng ta phía trước. Tưởng tượng nếu một loại hàng hóa quan trọng như dầu có thể giảm giá 50% trong vòng 6 tháng thì danh mục của chúng ta cũng thể trải qua sự suy giảm tương tự(đôi khi trong thời gian ngắn hơn). Do vậy sự cẩn trọng luôn luôn phải được duy trì. Tuy nhiên sự tham lam cũng là cần thiết để có được tỷ suất lợi nhuận tốt. Cân bằng giữa cẩn trọng và tham lam chưa bao giờ dễ dàng nhưng là một kỹ năng quan trọng để cho con thuyền danh mục của chúng ta tiến lên phía trước.
Tôi không dự đoán được và cũng không bao giờ có ý định dự đoán thị trường cho năm 2015 hay các năm tiếp sau. Dự đoán tốt nhất của tôi về thị trường là “có lúc lên và có lúc xuống”. Với đầu tư giá trị, điều quan trọng nhất vẫn là nghiên cứu kỹ về các công ty, các thương vụ đầu tư cụ thể(Bottom up). Hạn chế rủi ro với từng thượng vụ đầu tư đồng thời phân bổ danh mục đầu tư một cách hợp lý là con đường an toàn để chúng ta tiến tới tương lai. Khi sai lầm được hạn chế, tỷ suất lợi nhuận tự động sẽ được tăng lên.
Chúc các bạn nhiều may mắn và cám ơn các bạn đã tiếp tục tin tưởng vào quỹ Sơn Tùng.
Trân trọng.
Sơn Tùng.

Thư đã viết:
Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2014
Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013

Comments

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.