Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015


Các cổ đông thân mến!
Quỹ Sơn Tùng đạt tỷ suất lợi nhuận là 8.18% trong 6 tháng đầu năm 2015, so với mức tăng 8.69% của VnIndex và 2.36% của HnxIndex. Thị trường đã có 6 tháng giao dịch tương đối bình thường(tăng/giảm đan xen).
Để thuận tiện cho các nhà đầu tư(mới), tôi xin được trình bày lại triết lý và một số chiến lược đầu tư cơ bản của quỹ. Như nhiều bạn đã biết, quỹ Sơn Tùng theo đuổi triết lý đầu tư giá trị, với một số đặc tính cơ bản là:
  1. Chú trọng “biên độ an toàn”. Mua khi giá cổ phiếu nhỏ hơn giá trị doanh nghiệp và bán khi giá cổ phiếu tiệm cận giá trị doanh nghiệp.
  2. Dựa theo “biên độ an toàn” như trên, quyết định mua/bán cổ phiếu không phụ thuộc vào sự tăng/giảm của thị trường, thậm chí đôi khi có thể đi ngược đám đông.
  3. Kiên nhẫn và kỷ luật để chờ đợi các cơ hội có tỷ suất rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn.
  4. Đề cao sự thận trọng. Ưu tiên bảo toàn vốn đầu tư trước khi nghĩ đến lợi nhuận.
  5. Mua cổ phiếu chính là mua cổ phần của doanh nghiệp, tức là sở hữu một phần tài sản, một phần lợi nhuận của doanh nghiệp.
  6. Chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp mà mình hiểu rõ.
Các chiến lược cơ bản để biến triết lý đầu tư giá trị thành các sách lược hành động cụ thể của quỹ Sơn Tùng là NetNet, GoodGood và SS(Special Situation hay là Work Out): 
  1. NetNet là chiến lược mua các cổ phiếu tại giá nhỏ hơn giá trị tài sản thanh lý của doanh nghiệp. Giá trị này có thể tính đơn giản bằng cách lấy tất cả tài sản ngắn hạn, chiết khấu rồi trừ tổng nợ của doanh nghiệp hoặc có thể tính phức tạp hơn tùy vào việc bạn ước lượng giá trị của doanh nghiệp khi giải thể hay được bán lại.
  2. GoodGood là chiến lược mua các công ty tốt(hay dòng tiền tốt) tại mức giá hợp lý. Với NetNet ta giả định, doanh nghiệp chết sẽ có giá trị bao nhiêu thì với GoodGood ta kỳ vọng doanh nghiệp sống sẽ mang lại lợi nhuận ra sao. Đầu tư vào GoodGood, giống như việc ta bỏ ra một đồng góp vốn để doanh nghiệp làm ăn, phát triển và sau đó sẽ trả lại lợi nhuận cho ta nhiều hơn một đồng.
  3. Special Situation là những tình huống đặc biệt, ví dụ doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, sáp nhập, tách rời, v.v. Những tình huống này, vì nhiều lý do, có thể có tỷ suất rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn cho một thương vụ đầu tư.
Đôi khi một cổ phiếu có thể thuộc về nhiều chiến lược đầu tư cùng lúc. Sự phân loại này không phải là một ranh giới rõ ràng. Và nếu như chúng ta có thể mua được công ty tốt GoodGood tại mức giá của cổ phiếu NetNet thì tỷ suất lợi nhuận khi đó sẽ rất tuyệt vời. Nhìn chung, tất cả các chiến lược đầu tư này đều có đặc điểm cơ bản thống nhất đó là mức giá mua vào luôn luôn nhỏ hơn giá trị.

Một chút về tình hình hiện nay(vĩ mô và đầu tư chứng khoán).
Không ít nhà đầu tư giá trị trên thế giới lo lắng về tình hình hiện tại khi các ngân hàng trung ương mạnh tay in tiền với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, gây ra “lạm phát” với các loại tài sản. Họ thấy khó khăn trong việc tìm kiếm các cổ phiếu dưới giá trị để đầu tư. Chỉ số PE trung bình của S&P 500 đang ở mức cao trong lích sử. Francis Chou nói rằng khi ông bắt đầu sự nghiệp vào những năm 80s, lãi suất cao và giá cổ phiếu thấp chính là điều kiện tuyệt vời để thành công. Ngày này điều ngược lại xảy ra khi lãi suất thấp và giá cổ phiếu cao, những điều kiện lý tưởng cho việc thất bại trong đầu tư. Có thống kê rằng trên 50% các loại trái phiếu đang lưu hành có tỷ suất lợi nhuận dưới 1%, thậm chí trái phiếu chính phủ nhiều nước đang có lãi suất âm(Paul Singer nói short bond bây giờ có thể là cú short vĩ đại hơn CDS năm 07’-08’).
Howard Marks nói hồi 07’, ông có thể thể mua các loại tài sản an toàn với lãi suất 5-6% còn bây giờ hoặc ông phải chấp nhận lãi suất 0% để được an toàn hoặc phải chấp nhận rủi ro để kiếm tìm lãi suất cao hơn. 

Tình hình Trung Quốc có vẻ giống Việt Nam mấy năm trước đây khi bong bóng bất động sản nối tiếp bởi bong bóng chứng khoán(dường như sắp vỡ). Trong khi đó, giá cả nhiều loại hàng hóa cơ bản đã giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2014: dầu(53%), đồng(38%), cotton(72%), cao su(), v.v cho thấy sự suy giảm nhu cầu và sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc. Liệu tất cả những chuyện này sẽ sớm kết thúc với sự sụt giảm mạnh của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu và ảnh hưởng mạnh tới thị trường Việt Nam? Thế giới đang ở trong một giai đoạn bất thường và những điều xắp xảy ra có thể cũng rất bất thường. Không ai có thể biết trước.

Thực ra, ai cũng có thể lo lắng về vĩ mô nhưng điểm khó chính là ở chỗ đầu tư thế nào khi mà không thể dự đoán được tương lai? Nếu bạn chuẩn bị lái xe mà chưa biết đường đi sẽ thế nào thì bạn sẽ làm gì? Rõ ràng, để an toàn thì người đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm và người đi ô tô nên thắt dây an toàn. “Biên độ an toàn” trong đầu tư giá trị chính là mũ bảo hiểm, là dây đai an toàn để đi tới tương lai. Do vậy, dù vĩ mỗ ra sao, nếu có thể mua được các cổ phiếu với biên an toàn cao thì đó chính lựa chọn tốt nhất.(Nếu không tìm được cổ phiếu với biên an toàn tốt thì hãy giữ tiền mặt). Tất nhiên, khi thị trường sụt giảm mạnh thì cổ phiếu bạn mua cũng có thể giảm giá. Tuy nhiên nếu giá trị bạn có được là tốt thì cổ phiếu rồi cũng sẽ quay trở lại. Những cổ phiếu giá trị, những doanh nghiệp tốt thường là những đối tượng phục hồi sớm sau khủng hoảng.
Đầu tư giá trị không phải lúc nào cũng đảm bảo thành công, nhưng tôi tin tưởng rằng đó là triết lý tốt nhất để giúp quỹ Sơn Tùng tồn tại và thu được lợi nhuận trong dài hạn.
Cám ơn sự tin tưởng của quý vị cổ đông. Tôi hi vọng chúng ta tiếp tục gắn bó với nhau trong nhiều năm để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Trân trọng.
Sơn Tùng.

Thư đã viết:
Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư năm 2014
Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2014
Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013

Comments

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.