Sự tiến hóa của một nhà đầu tư - Phần 2 và hết.


Trong bài viết trước, chúng ta thấy sự tiến hóa của Tom Gayner từ tập trung phân tích định lượng(số liệu) sang chú trọng nhiều hơn vào các yếu tố định tính, những yếu tố mà đôi khi báo cáo tài chính không phản ánh hết được. Đây cũng quá trình thay đổi từ việc “mua các công ty kém hiệu quả với giá cực rẻ” sang “mua các công ty tuyệt vời với giá hợp lý”. Sự hiệu quả, hay tuyệt vời của một công ty thường được đánh giá bằng lợi nhuận mà công ty đó mang lại. Quá trình tiến hóa này, nói một cách chính xác là chuyển từ chú trọng đánh giá tài sản(Asset Based) sang chú trọng đánh giá lợi nhuận(Earning Based) khi định giá doanh nghiệp.

Tuy nhiên phải nói rằng đây không phải là con đường duy nhất. Rất nhiều nhà đầu tư vẫn chú trọng vào tài sản nhưng họ mở rộng ra từ chiến lược NetNet của Graham. Họ tìm kiếm giá trị doanh nghiệp tại những nơi mà giá trị sổ sách thấp hơn giá trị thực tế(tài sản ẩn). Đó có thể là bất động sản mà doanh nghiệp sở hữu, có thể là cổ phần tại công ty con, có thể là một nhà máy hay một cánh rừng mà chi phí thay thế(replacement cost) lớn hơn giá trị sổ sách rất nhiều. Phổ biến hơn nữa là kết hợp giữa hai cách Asset Based và Earning Based. Ví dụ doanh nghiệp ABC có lợi nhuận rất bình thường, nhưng có một tài sản ẩn (không cần thiết cho mảng kinh doanh chính của cty) mà nếu đem bán thì mang lại giá trị lớn. Giá trị này + giá trị từ mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp có thể lớn hơn thị giá hiện tại rất nhiều. Walter Schloss, Peter Cundill, và Seth Klarman đều là những nhà đầu tư đánh giá cao giá trị của các loại tài sản hữu hình.

Một con đường tiến hóa khác đó mở rộng ra các loại chứng khoán khác hay thậm chí là các loại tài sản khác. Vẫn là đầu tư giá trị nhưng nhà đầu tư có thể tìm kiếm món hời ở những “vùng nước” khác như trái phiếu lãi suất cao, trái phiếu chuyển đổi, những công ty phá sản, giải thể, hay là những trường hợp spin-off(tức là 1 công ty tách thành 1 hoặc nhiều công ty), v.v. Seth Klarman, Michael Price, và Joel Greenblatt đều ưu thích những cách đầu tư này. Sau này Michael Burry hay phòng đầu tư tại Fairfax's của Prem Watsa đầu tư vào CDS cũng là một hướng đi và một chiến lược đầu tư sáng tạo.

Từ đây ta có thể kết luận rằng đầu tư giá trị với triết lý đơn giản “mua 1 đồng với 50 xu” nhưng có thể ứng dụng vào rất nhiều trường hợp khác nhau. Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư giá trị vĩ đại nhất không chỉ vì ông thi triển được những tuyệt chiêu đỉnh cao mà còn là vì ông thông thạo hầu như tất cả chiến lược. Có lẽ với cụ Warren Buffett, đó không còn là chiêu thức mà đã trở thành bản năng tự nhiên. Chẳng vậy mà vào những năm 1997-1998 Buffett đã mua vào 25% lượng bạc tồn kho của cả thế giới vì cho rằng quan hệ cung cầu của bạc không hợp lý với giá bạc lúc đó. Berkshire Hathaway kiếm được 100 triệu đô từ thương vụ này, một khoản tiền nhỏ nhưng đó đơn giản là cách Warren Buffett thưởng thức cuộc chơi.

Sơn Tùng
12.10.2015

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.