Sự tiến hóa của một nhà đầu tư (Phần 1)


Gần đây tôi được nghe bài nói chuyện rất thú vị của Thomas Gayner tại Google. Thomas là phó chủ tịch và giám đốc đầu tư tại tập đoàn Markel - một mô hình tương tự như tập đoàn Berkshire Hathaway của cụ Warren Buffett. Trong bài nói chuyện của mình, Thomas miêu tả quá trình hình thành và phát triển triết lý cùng với các chiến lược đầu tư của mình. Anh hi vọng có thể giúp đỡ các bạn trẻ rút ngắn thời gian học tập và tránh các sai lầm không đáng có trong đầu tư.

Giống như nhiều nhà đầu tư giá trị khác, Thomas khởi đầu với các chiến lược tập trung vào phân tích định lượng, thích mua tài sản giá rẻ trước khi chuyển trọng tâm qua phân tích định tính, ưu tiên mua các doanh nghiệp tốt. Nói cách khác, Thomas khởi đầu như Ben Graham và tiến hóa theo hướng đi của Warren Buffett. Chúng ta đều biết Ben Graham nổi tiếng với các chiến lược đầu tư định lượng của mình, trong đó tiêu biểu là NetNet - mua cổ phiếu của các công ty có giá nhỏ hơn Tài Sản Ngắn Hạn - Tổng nợ.
(James O'Shaughnessy sau này phát triển tiếp các ý tưởng của Ben Graham. Trong cuốn What Works on Wall Street, ông đã công bố các kết quả nghiên cứu khi đầu tư cổ phiếu theo các chỉ số tài chính khác nhau như PE, PB, PS, EV/FCF, v.v)

Thomas gọi cách đầu tư chủ yếu dựa theo các chỉ số tài chính là “Nhận diện giá trị - Spotting Value”. Theo cách này chúng ta thấy giá trị của doanh nghiệp giống như một bức tranh tĩnh và không thay đổi nhiều theo thời gian. Giả sử chúng ta định giá doanh nghiệp 100đ, rồi mua ở mức giá 60đ, 40đ chênh lệch là biên an toàn. Qua thời gian chúng ta hi vọng cổ phiếu(cp) sẽ tăng từ 60đ trở về giá trị 100đ để từ đó thu được lợi nhuận 40đ.

Tuy nhiên thực tế là giá trị doanh nghiệp thay đổi theo thời gian, có thể giảm xuống hoặc tăng lên tùy theo tình hình phát triển. Nói cách khác giá trị doanh nghiệp giống như một bộ phim chứ không phải là một bức tranh. Do đó Thomas nói rằng giờ đây ông thích tìm kiếm những doanh nghiệp có giá trị tăng lên theo thời gian. Ví dụ năm nay có giá trị 100đ, năm sau 110đ, năm sau nữa là 120đ, v.v. Những doanh nghiệp dạng này thường được mọi người gọi là Compounder(nên dịch “hòn tuyết lăn”?). Dễ thấy khoảng cách giữa giá ta đã mua lúc đầu và giá trị ta thu được qua thời gian ngày càng tăng, và đây chính là động lực lớn để giá cp tăng lên theo thời gian. Khi nhìn lại lịch sử, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, có lợi nhuận ổn định và tăng đều trong thời gian dài thì giá cổ phiếu trước sau gì cũng tăng theo.

Thomas chú trọng vào 4 điểm để phân tích xem đó có phải là một doanh nghiệp tốt, một khoản đầu tư tốt hay không:
(1). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư hấp dẫn(High ROE, ROA)
ROE cao mà không sử dụng nhiều đòn bẩy.
ROE ổn định(và/hoặc tăng đều) qua các năm.
Hoạt động của doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp thu được lợi nhuận chính nhờ cung cấp dịch vụ đó.

(2). Lãnh đạo có tâm và có tài. (character, integrity, ability)
Trong cuộc sống người tốt có thể là bạn tốt, nhưng trong kinh doanh, họ không thể là đối tác làm ăn khi thương trường là cạnh tranh. Mặt khác, càng nên tránh những lãnh đạo có tài, có kỹ năng nhưng không trung thực. Bởi lẽ họ có thể thu được thành công và giàu có, nhưng bạn - cổ đông nhỏ lẻ thì không.
Làm sao biết lãnh đạo có tâm và có tài, nhất là với điều kiện của các cổ đông nhỏ lẻ?
Thomas nói rằng đúng là ông có thể hẹn gặp và nói chuyện với CEO nhưng thực tế là ông vẫn dành phần lớn thời gian tìm hiểu về lãnh đạo từ các nguồn thông thường như báo cáo thường niên, tạp chí kinh doanh, v.v. Ông chia sẻ đánh giá lãnh đạo cũng giống như tìm hiểu và đánh giá người mà bạn dự định cưới. Hãy xem họ có chia sẻ với bạn các giá trị cơ bản nhất, đủ để hai người gắn bó với nhau trong một thời gian dài hay không.Thực ra, mỗi người đều có một tiêu chuẩn khác nhau nên sự đánh giá có thể cũng khác nhau. Hãy tìm lãnh đạo mà bạn có thể tin tưởng, có thể yên tâm ủy thác tiền bạc của bạn cho người đó.

(3). Cơ hội tái đầu tư và kỹ năng quản lý nguồn vốn của ban lãnh đạo.
Có rất nhiều doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận và tích lũy được số tiền lớn, tuy nhiên không phải DN nào cũng biết đầu tư số tiền này một cách hiệu quả. Ví dụ GMD đã đem tiền đầu tư vào cao su, một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với họ và khoản đầu tư này đã không mang lại lợi nhuận như mong muốn.
Những doanh nghiệp tuyệt vời là những công ty biết đầu tư hiệu quả dòng tiền dư thừa. Ví dụ như chuỗi cửa hàng TheGioiDiDong, họ có cơ hội tái đầu tư vào ngay chính hoạt động kinh doanh hiện tại, dùng lợi nhuận thu được để mở các cửa hàng mới. Với những doanh nghiệp không có cơ hội đó, ban lãnh đạo cần có kỹ năng và hiểu biết để phân bổ vốn vào các công việc khác tốt hơn. Họ có thể dùng tiền đó trả cổ tức, mua cp quỹ, giảm bớt nợ hay đầu tư vào công ty mang lại tỷ suất lợi nhuận cao(như tập đoàn Berkshire Hathaway của cụ Buffett đã tái phân bổ nguồn vốn từ nghành dệt may đang lụi tàn qua các lĩnh vực khác mang lại ROE cao hơn).

Còn nhớ Buffett đã định nghĩa doanh nghiệp tốt: Mảng kinh doanh là tuyệt vời nếu nó kiếm cho bạn ngày càng nhiều tiền hơn trong khi bạn không phải tái đầu tư hoặc tái đầu tư rất ít. Mảng kinh doanh cũng là tuyệt vời nếu khi bạn tái đầu tư thì tỷ suất lợi nhuận rất tốt.
Ngược lại, các công ty ăn hại là các công ty tăng trưởng mạnh, bạn bị buộc phải tăng trưởng để tồn tại nhưng tỷ suất lợi nhuận thu được lại rất thấp.

(4). Định giá và xem xét giá mua vào.
Thomas chia sẻ hai dạng lỗi lầm mà nhà đầu tư thường gặp liên quan tới định giá. Đầu tiên là lỗi lầm mất vốn, nhà đầu tư định giá sai dẫn tới mua cp tại giá cao hơn cả giá trị doanh nghiệp. Cũng có khi họ không lường được việc giá trị doanh nghiệp bị suy giảm mạnh theo thời gian.
Kiểu lỗi lầm thứ hai là bỏ lỡ cơ hội tại các doanh nghiệp tốt vì cho rằng chưa đủ biên an toàn. Giả sử ta định giá doanh nghiệp 100đ, giá thị trường 80đ. Vì chưa đủ biên an toàn nên ta không mua vào. Qua năm sau giá trị doanh nghiệp tăng lên 110đ, giá cp cũng tăng lên 90đ, và ta vẫn chưa mua vào vì chưa đủ biên an toàn. Quá trình này cứ thế tiếp diễn qua nhiều năm sau đó. Rất nhiều nhà đầu tư không mua cổ phiếu Berkshire tại giá $250 những năm 80s, họ cũng không mua tại giá $20,000 những năm 90s và bây giờ cp Berkshire có giá là $200,000.

Nguồn: Sơn Tùng
01/10/2015.

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.