Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi cổ đông năm 2016

Quý vị cổ đông thân mến.

Quỹ Sơn Tùng đạt tỷ suất lợi nhuận 21.28% trong năm 2016. Dưới đây là bảng tổng hợp kết quả của quỹ và các chỉ số từ năm 2013:


Trong các năm trước, tôi đã chia sẻ nhiều về các thương vụ thành công, trong năm nay tôi xin chia sẻ về một số thương vụ thất bại mà tôi đã gặp phải. Có người nói, nếu bạn không mắc sai lầm trong đầu tư thì đó là vì bạn đầu tư chưa đủ lâu. Hehe. Thật khó khi viết về các sai lầm của chính mình nhưng tôi cố gắng ghi lại để học hỏi từ các sai lầm ấy (và cả sai lầm của các nhà đầu tư khác) để tránh lặp lại trong tương lai.

Giai đoạn cuối 2015 và trong năm 2016, tôi mắc khá nhiều sai lầm. Trong đó có cả sai lầm khi không mua(hay mua không đủ số lượng) cổ phiếu và cả sai lầm khi mua những cổ phiếu không nên mua. Cụ Warren Buffett gọi hai loại sai lầm đó lần lượt là “sai lầm khi không hành động - omission mistake” và “sai lầm khi hành động”-commission mistake.

Sai lầm khi không hành động hoặc hành động không đủ quyết liệt.
Tôi có vài sai lầm dạng này trong năm 2016 nhưng tiêu biểu là ở thương vụ GAS. Nhìn lại sao kê năm 2015, tôi bắt đầu mua 100 cổ phiếu GAS ngày 21/08/2015 để lấy động lực nghiên cứu về doanh nghiệp này. Lúc đó giá cổ phiếu GAS tầm 45K, giảm mạnh từ mức giá 120K(chưa điều chỉnh) vào tháng 09/2014. Cùng ngày hôm đó tôi lập topic trên Vfpress(http://diendan.vfpress.vn/threads/thao-luan-ve-gas.150213/) để có thêm động lực đào sâu hơn về doanh nghiệp. Từ tháng 8 cho tới cuối năm 2015, giá cổ phiếu GAS tiếp tục giảm và tôi tiếp tục đọc nhiều hơn về doanh nghiệp này. Tới tháng 12(ngày 10 và ngày 25) thì tôi quyết định mua vào GAS ở mức giá tầm 38K/cp. Kết thúc năm 2015 thì cổ phiếu GAS chiếm tầm 5% danh mục đầu tư của tôi.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016 là giai đoạn mà các cổ phiếu dầu khí bị giảm mạnh do ảnh hưởng từ giá dầu. Lúc đó, khi nghiên cứu về GAS thì tôi kết luận rằng dù giá dầu duy trì ở mức thấp như vậy thì GAS vẫn có tỷ suất dòng tiền/vốn hóa khá tốt - trên 10% khi cổ phiếu GAS giao dịch trong khoảng 30-35K/cp. Tôi nghĩ trong thương vụ này, khả năng thua lỗ được hạn chế(trong trường hợp xấu, tỷ suất dòng tiền vẫn được tầm 10%), trong khi xác suất thắng lớn nếu lợi nhuận của GAS hồi phục trở lại cùng với giá dầu. Tôi quyết định sẽ gia tăng mạnh tỷ trọng GAS trong danh mục nếu GAS giảm về mức giá 30K. Cảm nhận đây là cơ hội mà tôi vẫn thường chờ đợi.

Và đúng như tôi mong đợi, trong một tuần giảm điểm, cổ phiếu GAS trở về giá 30K ngày 21/01/2016. Tuy nhiên thay vì dùng lý trí mua vào lượng lớn cổ phiếu thì tôi lại e dè chỉ mua một lượng nhỏ. Lúc giá cổ phiếu giảm về 30K, tôi bắt đầu nghi ngờ và xem lại các tính toán của mình rồi đi đến kết luận là giá 30K chưa thực sự đủ hấp dẫn để có tỷ trọng thật lớn trong danh mục. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ ở giá 25K thì tôi thấy biên an toàn mới đủ hấp dẫn hơn.

Và như chúng ta đều biết, GAS không giảm về giá 25K, cũng không dừng lại ở giá 30K lâu khi tăng mạnh trở lại rất mau chóng. Tệ hơn nữa, tôi xem thêm các tính toán của mình và kết luận lợi nhuận quý 1 của GAS sẽ giảm mạnh so với trước đó nên cân nhắc chuyển qua trạng thái bán. Nghĩ rằng, giá cp sẽ giảm trở lại khi lợi nhuận còn suy giảm. Cuối tháng 1, và giữa tháng 2 tôi bán lần lượt ở các mức giá 36.5K và sau đó là 42.5K một phần vì hi vọng sẽ mua lại được ở mức giá thấp hơn khi lợi nhuận suy giảm trong ngắn hạn. Khi mua GAS, tôi xác định đầu tư dài hạn vậy mà tôi lại cân nhắc bán vì lợi nhuận của một quý. Trong thương vụ này, tôi đã không hành động quyết liệt khi có cơ hội tốt và đã bán ra quá sớm.

Cũng cần nói thêm là trong một thế giới khác, cổ phiếu GAS có thể thực sự giảm về giá 25K, và/hoặc cũng không tăng nhanh, tăng mạnh lên mức 60K như hiện nay. Chúng ta không thể đánh giá tính đúng sai của các quyết định chỉ  bằng cách nhìn vào kết quả đầu ra(trong một trường hợp hoặc trong ngắn hạn). Tính đúng sai ở đây được quyết định bởi việc có tuân theo nguyên lý “mua khi cổ phiếu giá rẻ và bán khi cổ phiếu giá đắt”. Tôi đã không gia tăng tỷ trọng khi GAS ở mức giá hấp dẫn và đã quyết định bán vì tư duy ngắn hạn chứ không phải vì biên an toàn đã hết.
Hay như Michael Lewis nhận xét về Daniel Kahneman(đạt giải Nobel, tác giả cuốn Thinking, Fast and Slow) và Amos Tversky: “Họ đánh giá một quyết định không phải bởi kết quả - dù đúng hay sai - mà bởi quy trình dẫn tới kết quả ấy.  Công việc của người ra quyết định không đòi hỏi phải luôn đúng mà là xác định xác suất cho mỗi quyết định và hành động cho tốt.”

Sai lầm khi hành động.
Thật khó tin nhưng cuối năm 2015, tôi đã mua vào cổ phiếu JVC vì định giá rẻ như một cổ phiếu NetNet. Khi JVC giảm từ trên 20K về 7-8K/cp, một anh bạn nói với tôi về ý tưởng đầu tư này và tôi đã trả lời rằng: “Không có biên độ an toàn nào đủ lớn cho sự lừa đảo”. Vậy mà khi JVC giảm tiếp 40-50% về mức giá 5.x tôi đã mua vào vì cho rằng phần tài sản của JVC đủ để hạn chế thua lỗ.
Kết năm 2015, cổ phiếu JVC chiếm tới 7.5% giá trị danh mục. Mặc dù đã tính toán và nhìn thấy sự báo động ở “Kỳ chuyển đổi các khoản phải thu” tăng từ 154 ngày, lên 262, 357, 381, và 373 ngày giai đoạn 2010-2014, tôi đã không hành động gì.
Tôi còn nhớ khi JVC công bố báo cáo soát xét 2015 lỗ hơn 600 tỷ đồng vào ngày 09/01/2016 trên website của công ty, tôi đang ở sân bay và có rất nhiều thời gian vì hôm đó máy bay trễ giờ bay. Tuy nhiên tôi đã không nghiên cứu gì về JVC hôm đó và cả ngày hôm sau. Khi tôi biết về tin tức trên thì đã muộn và phải chấp nhận lỗ tới 40% trong thương vụ này. Trong đầu tư, thanh khoản có thể biến mất rất nhanh chóng, đặc biệt là mỗi khi khủng hoảng xảy ra.

Đầu tư cần sự tập trung cao độ.
Charlie Munger ví đầu tư giống như khi bạn cầm thương đi săn cá hồi. Bạn đứng sẵn sàng, tập trung cao độ chờ đợi con mồi lao tới. Và khi tìm được con mồi ưng ý, bạn hành động quyết đoán để chớp lấy thời cơ. Chuẩn bị chu đáo, kỷ luật tập trung, kiên nhẫn chờ đợi, và hành động quyết đoán là những yếu tố mà Charlie Munger cho là vô cùng quan trọng trong đầu tư cũng như trong cuộc sống. Tôi không có được đầy đủ những yếu tố này và đó có lẽ đây là lý do chính khiến tôi mắc phải khá nhiều sai lầm như đã nói ở trên. (Thật tệ, nhưng có lẽ điều này còn tiếp diễn trong nửa đầu năm 2017)

Năm 2017.
Như thường lệ, tôi không có một chút ý niệm nào về việc thị trường sẽ tăng hay giảm trong năm nay. Công việc mà tôi thường duy trì là học hỏi từ các nhà đầu tư có cùng triết lý, học hỏi về các ngành kinh doanh, về các công ty, về những người lãnh đạo các công ty đó, hay học hỏi về các giai đoạn lịch sử, về các công cụ và sản phẩm của thị trường chứng khoán. Nâng cao kiến thức tài chính và tri thức kinh doanh là công việc thường trực của mỗi nhà đầu tư. (Có lẽ rèn luyện sức bền, lòng kiên nhẫn và sự tập trung cũng nên là công việc thường ngày).

Mỗi khi bước vào năm mới, ta thực sự không biết điều gì đang chờ đón mình, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán. Đó có thể là sự tăng điểm ngoạn mục và mọi người kiếm được rất nhiều tiền, hoặc có thể là sự hoảng loạn và nhiều người mất tới 50% tài sản. Với những kiến thức(bé nhỏ) mà tôi vẫn đang cố gắng học hỏi, mục tiêu đầu tư trước nhất của tôi trong năm 2017 vẫn là hạn chế sai lầm, hạn chế thua lỗ. Tôi không thích mất tiền. Khi đồng nghiệp của mình đạt lợi nhuận tới hơn 100% ta có thể dễ dàng trở nên tham lam hơn, nhưng tôi nghĩ không nên chạy theo người khác mà hãy hành động điều hợp lý nhất với mỗi người. Độc lập trong suy nghĩ là vô cùng quan trọng với nghề đầu tư.

Chúc các bạn một năm mới làm việc hiệu quả, tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích, và tìm thấy nhiều hạnh phúc trong cuộc sống.

P.S: Bên cạnh lý do cá nhân, thì tôi cũng khá chần chừ khi viết thư này như mọi năm. Bởi lẽ thay vì thu hút khách hàng thì thư của tôi xem ra được đọc chủ yếu bởi các nhà đầu tư khác(tức là các đối thủ cạnh trạnh). Tôi thực sự cần phải học nhiều về Marketing. Hehe. Dù sao thì tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen viết để rèn luyện tư duy cho mạch lạc và có thêm niềm vui mỗi khi viết.

Trân trọng.
Sơn Tùng.

Published 13/02/2017 on VFPress.vn

Thư đã viết:
[Năm 2016 không có thư bán niên]

Comments

Popular posts from this blog

Quỹ Sơn Tùng - Thư gửi các nhà đầu tư bán niên 2015

[Backtest Strategies - Nghiên cứu một số chiến lược đầu tư giá trị - update 2019]

[Quỹ Sơn Tùng] Thư gửi các nhà đầu tư năm 2013.